làm cho thân tâm bình lặng (thông qua con đường Thiền Tập), và làm khai sáng tâm linh con người (thông qua con đường Trí Tuệ).
+ Phật giáo là một ‘tôn giáo’ được thiết lập nên bởi Đức Phật vì phúc lợi của chúng sinh, vì hạnh phúc của chúng sinh và vì sự tiến bộ của thế giới con người. Mọi người từ mọi xứ sở đều có thể áp dụng những giáo lý và hướng dẫn của đạo Phật vào trong cuộc sống của mình, tùy theo căn cơ, khả năng, điều kiện và ý chí tự do của mình.
+ Phật giáo là một tôn giáo chủ trương lẽ-thật và sự thực hành của chính bản thân mỗi người. Chỉ có mình mới thực hành cho mình, giải quyết vấn đề tâm linh và những đau khổ của mình và chính mình giải thoát cho mình. Và sau đó, giúp đỡ người khác đi theo con đường đạo vì lòng từ bi và để tu dưỡng thêm lòng từ bi đối với họ.
+ Phật giáo vừa là triết-học vừa là thực-hành. Mặc dù Phật giáo cũng chấp nhận sự hiện hữu của những chúng sinh là chư thiên (như thiên thần, trời, thánh nhân), nhưng Phật giáo không đặt vấn đề những chúng sinh siêu phàm xuất trần đó là phần quan trọng trong học thuyết tôn giáo của mình. Thay vì vậy, đạo Phật dạy con người phải tu tập những phẩm chất như luôn biết Sĩ nhục và Sợ hãi về mặt lương tâm để tránh bỏ làm những điều bất thiện. Người tránh bỏ điều bất thiện xấu ác thì người đó có được những phẩm chất của những bậc thiên thần và trời; có được lòng tin chánh tín, đạo đức, lòng học hỏi, lòng rộng lượng và trí tuệ.
Hơn nữa, Phật giáo chỉ dạy rằng một người nếu trừ bỏ được những ô nhiễm như Tham, Sân, Si thì người đó được cho là một người tốt lành và siêu việt.
Thông tin chung về Phật giáo như sau:
Xuất xứ: Ấn Độ
Thời gian ra đời: Thế kỷ 6 trước Công Nguyên
Người sáng lập: Đức Phật Thích Ca lịch sử (xuất thân từ Thái tử Tất-Đạt-Đa Cồ-Đàm (Siddhattha Gotama) của vương quốc dòng họ Thích Ca (Sakya).
Chủ thuyết: Tránh làm những điều ác, Làm những điều thiện, Tu dưỡng Tâm trong sạch (kinh Pháp Cú).
Loại tôn giáo: Phổ biến, mở rộng, được truyền bá qua nhiều nước trên thế giới; thuộc về vô-thần, không chủ trương hữu thần, không công nhận có đấng sáng tạo hay thượng đế quyết định số mạng con người; chủ trương về lý nhân-quả.
Những nhánh phái chính: Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) và Đại Thừa (Mahayana).
Tổ chức Thống Nhất: Hội Phật Giáo Thế Giới (The World Fellowship of Buddhist) là tổ chức thống nhất và đoàn kết tất cả Phật tử trên thế giới.
Nguồn gốc địa lý và lịch sử của Phật giáo là gì ?
Phật giáo ra đời ở Ấn Độ cách đây khoảng 2.600 năm khi một thái tử người Ấn Độ là Tất-Đạt-Đa (Siddhattha) giác ngộ thành đạo, trở thành một vị Phật (Buddha), có nghĩa là “người giác ngộ”, sau nhiều năm tu hành gian khổ để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để con người thoát khỏi khổ- đau và sinh-tử”.
Những lời dạy của Phật đã được ghi chép và bảo tồn bởi đại đa số tu sĩ đệ tử của Người trong tàng thư “Tam Tạng Kinh” (Tipitaka), mà nghĩa đen của từ này là “Ba Rổ Kinh”. Ba rổ kinh (hay quen gọi là Tam Tạng Kinh” theo từ Hán Việt), bao gồm:
- Luật Tạng (Vinaya-pitaka): những giới luật đối với tăng ni, và một số giới luật dành cho Phật tử tại gia.
- Kinh Tạng (Suttanta-pitaka): tập hợp những bài thuyết giảng của Đức Phật và những vị đại đệ tử của Phật)
- Diệu Kinh Tạng (Abhidhamma-pitaka): đây là phần triết lý cao học của Phật giáo).
Phật giáo là tôn giáo vô-thần, không theo hữu thần, không đề cao thần thánh là quyết định vận mệnh con người, chỉ coi trọng về lý nhân-quả và mọi sự của một người là do chính người ấy làm và nhận lãnh.
Hai trường phái Phật giáo: Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) được truyền bá và phát triển các nước Đông Nam Á như Sri Lanka (Tích Lan), Thailand (Thái Lan), Burma (Myanmar, Miến Điện), Laos (Lào), Cambodia (Cam-pu-chia) và một phần ở miền nam Việt Nam. Ngày nay có rất nhiều người theo Phật giáo Nguyên Thủy ở Ấn Độ, khắp các nước châu Âu, châu Úc và châu Bắc Mỹ.
Phật giáo Đại Thừa phát triển ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Việt Nam, và Tây Tạng (thuộc tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc ngày nay).